Xã Cự Nẫm, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từng là căn cứ quân sự và là điểm dừng chân qua đêm của bộ đội Việt Nam khi tiến vào Nam.
Năm 2015, xã Cự Nẫm được giao cho MAG rà phá bom, đạn chùm còn sót lại trên mảnh đất này. Công việc rà phá của MAG kéo dài tám năm, và đã rà sạch 22.875.012 m2 đất bị ô nhiễm, chiếm 96% diện tích xã. Đất đai được trả lại an toàn đã tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện sinh kế.
22.875.012 m2 đất đã được rà và hiện đã an toàn để sử dụng |
|
12.789 vật liệu nổ đã được xử lý |
Gia đình ông Hựu
“Trong và sau thời kỳ chiến tranh, xã Cự Nẫm tràn ngập bom đạn. Nhiều người dân vẫn canh tác trên đất trong khi bom đạn vẫn còn nằm trên mặt đất”, ông Hựu chia sẻ.
Gia đình ông Hựu có 1.900 m2 đất từng được sử dụng để trồng bạch đàn. Mặc dù loại cây này không mang lại thu nhập cao - tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng (tương đương 4.200 USD) trong
18 năm - nhưng gia đình ông vẫn trồng vì nó không đòi hỏi công đoạn đào đất
“Mỗi lần chuẩn bị cho vụ bạch đàn tiếp theo, chúng tôi lại phải thuê đội phế liệu đi rà bom đạn. Vì họ không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này nên tôi lo rằng điều gì đó nguy hiểm có thể xảy ra. Nhưng tôi cũng lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình. Nếu không rà sạch đất trước thì chúng tôi không thể trồng cây được, vì trước đó đã có 3 người chết khi đào đất ở đây”, ông chia sẻ
Người dân sống ở vùng ô nhiễm như ông Hựu luôn mang trong mình nỗi lo sợ ngay trên chính mảnh đất của mình. Họ nghe về những trường hợp tử vong hoặc bị thương do bom đạn và không muốn trở thành một trong những nạn nhân bom mìn như vậy.
Trang trại gia đình ông Hựu là một phần của một trong nhiều hiện trường rà phá của MAG, trong đó MAG đã rà sạch 192.412 m2 vào năm 2020. Tại hiện trường này, MAG đã phát hiện và tiêu hủy an toàn 389 vật liệu nổ.
“Rất may đội rà phá chuyên nghiệp của MAG đã đến và rà sạch mảnh đất này. Tôi cảm thấy rất yên tâm khi họ hoàn thành việc rà phá.”
Gia đình ông đã biến niềm tin thành hành động. Ở khu vực mới không còn bom đạn, gia đình ông đã trồng tràm, loại cây có thời gian thu hoạch ngắn hơn bạch đàn nhưng mang lại giá trị thu nhập cao hơn.
Ông Hựu nhìn qua khu đất bên kia hồ của gia đình
“Chúng tôi đã thuê máy để đào rễ cây bạch đàn và cày xới đất cho tơi xốp. Phân bón và đất đều rất quan trọng để cây tràm phát triển mạnh. Nếu đất được bừa kỹ sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho cây tràm lớn.”
Vườn tràm gia đình ông trồng phải 5 năm mới thu hoạch được. Mặc dù chỉ mới ba năm nhưng cây đã cao lớn và khỏe mạnh. Thương lái đã đặt mua lô tràm này với giá 80 triệu đồng. Gia đình ông Hựu rất vui mừng trước thông tin này và hạnh phúc khi thấy nỗ lực của mình đã được đền đáp.
Khu đất trồng tràm của gia đình ông Hựu
Gia đình bà Loan
Tương tự như gia đình ông Hựu, gia đình bà Loan cũng gặp phải bom đạn khi làm ruộng.
“Những năm 1980, tôi thường xuyên gặp phải bom đạn khi làm ruộng. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục công việc. Mỗi khi đi làm, tôi luôn cầu mong mình được bình an”, bà Loan nhớ lại.
Vợ chồng bà Loan và ông Chiến trong vườn nhà
Sau chiến tranh, bom đạn cản trở khả năng làm ruộng của người dân. Có những trường hợp khi không thể sử dụng được đất đai, giống như ông Chiến thì người dân thu gom phế liệu từ bom đạn rồi bán lấy tiền.
“Từ những năm 1990, tôi đã tham gia vào một trong những nhóm tìm kiếm và bán bom đạn. Nhóm người này nghèo và không thể nuôi sống gia đình bằng thu nhập từ nông nghiệp. Có lần tôi tìm thấy một quả bom lớn và mang nó về nhà để bán phế liệu và chất nổ. Lúc đó, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn nên tôi không thể nghĩ đến bất kỳ điều gì khác. Tôi thường rùng mình khi nhớ lại”, ông chia sẻ.
Ông Chiến dừng làm công việc nguy hiểm này sau một năm vì lo lắng cho sự an toàn của hai đứa con trai nhỏ, có thể một ngày nào đó chúng sẽ tò mò về những quả bom, dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì gia đình ông bà từ lâu đã có ý định nuôi lợn và gà nên quyết định chuyển đổi.
“Năm 2010, chúng tôi biết đến việc phát triển hệ thống sản xuất khí sinh học từ phân lợn. Lúc đó, chúng tôi không có tiền, lại còn sợ gặp phải bom đạn nếu đào sâu để xây dựng trong vườn”, ông chia sẻ.
Năm 2019 là một năm có nhiều thay đổi đối với gia đình của ông sau bao nỗ lực. Ngoài việc tiết kiệm đủ tiền để nuôi lợn để sản xuất khí sinh học, MAG đã hoàn thành hoạt động rà phá bom đạn tại khu vực của họ. Ba quả bom chùm nằm cách mặt đất 25 cm đã được tìm thấy trên đất của họ và đã được tiêu hủy an toàn. Sau khi rà phá, gia đình ông quyết định mở rộng khu vườn và xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, sử dụng khí sinh học trên diện tích 150 m2.
Trang trại lợn của gia đình bà Loan - ông Chiến
Sau bốn năm, thu nhập từ chăn nuôi lợn của họ tăng gấp 3 lần lên đến 100 triệu đồng. Khí sinh học được tạo ra có thể sử dụng thay thế cho khí đốt nấu ăn trong gia đình, giúp gia đình ông bà giảm được 700.000 đồng chi tiêu mỗi tháng. Hơn nữa, bùn thải tràn ra từ bể ủ có thể dùng làm phân bón cho cây trồng, vườn rau, tiết kiệm khoảng 300.000 đồng mỗi tháng tiền phân bón. Điều này không chỉ làm giảm gánh nặng kinh tế cho các hộ gia đình mà còn thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững.
Nguồn: MAG VIỆT NAM
Chia sẻ: