NPA triển khai khảo sát phi kỹ thuật ở Quảng Ninh – huyện hoạt động thứ hai của NPA trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Ngày đăng:
22/11/2021
Đăng bởi:
DBCU

Ngày 11/11/2021, NPA bắt đầu triển khai khảo sát phi kỹ thuật (KSPKT) tại Quảng Ninh - huyện thứ hai NPA có hoạt động thực địa ở Quảng Bình sau một năm thiết lập và triển khai dự án Khảo sát dấu vết bom chùm (CMRS) trên địa bàn tỉnh. KSPKT là bước đầu tiên trong quy trình CMRS, nhằm xác định các điểm bắt đầu cho khảo sát kỹ thuật với mục đích xác định chính xác ranh giới của các khu vực khẳng định nguy hiểm. Trong quá trình KSPKT, bên cạnh việc xác minh và thu thập thông tin, các nhân viên khảo sát của NPA cũng cố gắng phổ biến các thông điệp về giáo dục nguy cơ bom mìn, vật nổ để giúp nâng cao nhận thức của người dân, góp phần mang lại sự an toàn cho cộng đồng địa phương.

 

 

Trong số năm xã được phân công ở huyện Quảng Ninh, NPA chọn Trường Xuân là xã đầu tiên triển khai hoạt động do mức độ ô nhiễm cao với nhiều dữ liệu lịch sử về đánh bom và nhiệm vụ hủy nổ liên quan đến bom chùm trong cơ sở dữ liệu của tỉnh. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng nông và lâm nghiệp, do đó hầu hết thời gian họ đều làm việc trên nương rẫy, đồn điền, chịu nhiều rủi ro về bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Trong suốt 14 tháng đầu hoạt động thực địa, mặc dù chỉ mới thành lập và gặp phải nhiều thách thức do mưa lũ kéo dài cũng như các đợt bùng phát dịch COVID-19 phức tạp trên địa bàn tỉnh, Dự án đã đạt được những kết quả đáng kể. Đến giữa tháng 11/2021, NPA đã hoàn thành KSPKT tại 51 thôn trong tổng số 264 thôn của huyện Bố Trạch, xác định được 71 vật liệu chưa nổ trong đó có 36 bom chùm, và khởi tạo 38 nhiệm vụ KSKT. Bản đồ ô nhiễm được tạo lập từ bước khảo sát kỹ thuật tiếp sau đó tại các xã Nam Trạch, Đại Trạch và một phần của xã Tây Trạch, đã được bàn giao cho Đơn vị Cơ sở dữ liệu và điều phối khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh để phục vụ công tác thiết lập ưu tiên và giao nhiệm vụ rà phá. Quyết định của chính quyền tỉnh về việc giao thêm địa bàn ở huyện mới cho Dự án CMRS của NPA thể hiện sự công nhận của chính quyền địa phương đối với các hoạt động của NPA, đã góp phần đáng kể vào nỗ lực chung trong việc lập bản đồ ô nhiễm toàn tỉnh, để làm cơ sở cho việc thiết lập ưu tiên trong phân bổ các nguồn lực hành động bom mìn hiện có, tránh chồng chéo và thực hiện hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn trên toàn tỉnh.

Nguồn: NPA Việt Nam